Bên trong các xưởng sản xuất đá viên tại Hà Nội, nhiều khâu sản xuất kém vệ sinh, lách luật, ẩn chứa nguy cơ với người tiêu dùng được ghi nhận.
Sản xuất đá viên kém chất lượng: “Không ai uống đá bẩn mà chết cả”
Chủ xưởng sản xuất đá viên có tên ICE COOL 88, Lương Trần Hà khẳng định đang cung cấp đá cho chuỗi cà phê có tiếng ở Hà Nội. Ảnh: NHÓM PV
Nguồn đá từ ICE COOL 88 len lỏi vào loạt quán cà phê
Như đã phản ánh trong bài viết “Kinh hoàng công nghệ sản xuất đá viên tại Hà Nội”, xuất bản ngày 16.6 vừa qua trên Báo Lao Động, xưởng sản xuất đá viên có tên ICE COOL 88 (nằm trên đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội) là nguồn cung cấp đá cho hàng loạt quán ăn, nhà hàng và quán cà phê có tiếng trên địa bàn TP Hà Nội. Thế nhưng, đằng sau những túi đá trong veo lại là cả một quy trình sản xuất tạm bợ, thiếu an toàn vệ sinh nghiêm trọng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, xưởng ICE COOL 88 hoạt động với hệ thống trang thiết bị sơ sài, môi trường sản xuất không được che chắn hợp vệ sinh. Đáng chú ý, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với đá không hề sử dụng găng tay, đồ bảo hộ, trong khi lượng đá được sản xuất và phân phối mỗi ngày lên tới hàng nghìn túi.
Trong quá trình thu thập thông tin, nhóm phóng viên dễ dàng bắt gặp những chiếc xe “Su cóc” hoặc xe máy gắn thùng lớn phía sau chở đá chạy ngược xuôi trên khắp các tuyến phố Hà Nội, từ sáng sớm đến tối muộn. Những túi đá này được đưa đến nhiều địa điểm nổi tiếng như chuỗi cà phê Laika (Trích Sài, Giảng Võ, Thanh Niên…) hay tiệm Trà Mai Khôi (phố Đào Tấn), cùng hàng loạt quán đồ uống ở các khu vực Trần Huy Liệu, Ngọc Khánh… Tất cả đều sử dụng đá viên từ xưởng của ông Lương Trần Hà, chủ cơ sở ICE COOL 88.
Theo xác minh của phóng viên, tại những điểm bán đồ uống kể trên (đặc biệt là các cơ sở của chuỗi cà phê mang thương hiệu Laika cafe tại 151 Trích Sài, Tây Hồ; C4 Giảng Võ, khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình và tiệm trà Mai Khôi ở 43 Đào Tấn, Ba Đình)… Đá viên phục vụ pha chế đều có nguồn gốc từ ICE COOL 88.
Đây là điều khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại, bởi dù được gọi là “đá sạch”, nhưng nếu quy trình sản xuất không bảo đảm vệ sinh, tiêu chuẩn chất lượng thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Cảnh báo từ chuyên gia
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Hồng Côn – giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội – khẳng định, một hệ thống lọc nước sử dụng công nghệ RO (thẩm thấu ngược) đạt chuẩn có khả năng loại bỏ hầu hết các tạp chất, bao gồm khoáng chất, vi khuẩn, vi trùng và các chất độc hại trong nước. Nước sau lọc gần như đạt mức tinh khiết.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, hiệu quả này chỉ đạt được nếu thiết bị là hàng chính hãng, chất lượng tốt, màng lọc đảm bảo tiêu chuẩn. Các loại máy lọc RO trôi nổi trên thị trường hoặc sử dụng màng lọc kém chất lượng (để giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận) sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong bối cảnh nhiều cơ sở sản xuất đá trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối như chợ Long Biên (Hà Nội), sử dụng nước không rõ nguồn gốc để làm đá cây bảo quản thực phẩm, nguy cơ mất an toàn vệ sinh là rất lớn.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, điều này chỉ có thể chấp nhận được, nếu đá không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, chẳng hạn đá được đặt trong bể lạnh cùng với muối để làm mát thực phẩm đã được bọc kín trong túi nylon. Tuy nhiên, nếu thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với loại đá này thì là điều “không thể chấp nhận được về mặt an toàn thực phẩm”.
PGS.TS Trần Hồng Côn cảnh báo thêm, nếu nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng như asen, mangan hoặc sắt, đều là các chất thường tồn tại trong nước ngầm thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe là rất cao. Nhiều người lầm tưởng rằng nước nhìn trong là nước sạch, nhưng thực tế, các tạp chất vô cơ độc hại vẫn có thể tồn tại. Chỉ có công nghệ lọc RO hoặc lọc nano hiện đại mới có thể loại bỏ triệt để các ion kim loại độc hại này.
PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh: “Nếu nước sau lọc không đạt độ tinh khiết, thì không thể gọi đó là nước lọc RO đạt chuẩn. Đá dùng để uống hoặc bảo quản thực phẩm phải được sản xuất từ nguồn nước sạch. Dù có thêm muối để tăng hiệu quả làm lạnh, nhưng như vậy bản chất sẽ không còn là nước tinh khiết, thì đá đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại”.