Sáng 19/6, trong phiên chất vấn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng về tác động của chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như các biện pháp kiểm soát rủi ro để đảm bảo thuế không trở thành rào cản với doanh nghiệp và người dân.
►Theo đại biểu, thuế tiêu thụ đặc biệt tuy có ý nghĩa trong định hướng tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe, nhưng có thể ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, sức mua. Đồng thời, những quy định về thuế đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang khiến nhiều cơ sở phải tạm ngừng hoặc ngừng hẳn hoạt động.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định tình trạng các hộ kinh doanh đóng cửa gần đây không xuất phát từ thay đổi chính sách thuế, mà chủ yếu do các đợt kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
► Quan điểm này cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong buổi làm việc với Thường vụ Thành ủy Hà Nội, cho biết nhiều hộ đóng cửa vì lo ngại bị kiểm tra hàng hóa, chứ không vì áp lực thuế.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định, Nhà nước không thay đổi chính sách thuế hiện hành mà đang minh bạch hóa quá trình thu và quản lý. Các quy định, hướng dẫn về thuế đã được ban hành đầy đủ. Ông cho biết sắp tới, chính sách sẽ còn nới lỏng hơn đối với hộ kinh doanh, cụ thể là việc nâng ngưỡng doanh thu miễn thuế từ 100 triệu đồng/năm lên 200 triệu đồng để giảm gánh nặng cho hộ nhỏ.
►Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh đây là công cụ quan trọng để định hướng tiêu dùng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và giảm chi phí y tế. Ông cho biết, trong quá trình sửa đổi luật gần đây, Chính phủ đã cân nhắc kỹ và quyết định chưa tăng hoặc giãn lộ trình tăng thuế đối với một số mặt hàng có hại như thuốc lá, đồ uống có cồn và nước ngọt có đường để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn.